Văn hóa - Xã hội

Trường tiểu học Đông Minh tích cực đưa văn hóa truyền thống vào trường học

09/11/2016 00:00 213 lượt xem

Thực hiện kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2016 của UBND huyện Yên Minh về việc tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình giáo dục thực hiện thành công trên địa bàn huyện năm học 2016 – 2017. Trường tiểu học Đông Minh đã đăng ký thực hiện đưa 02 Mô hình vào để thực hiện trong năm học 2016-2017. Đó là Mô hình xây dựng cảnh quan trường học và Mô hình đưa văn hóa dân tộc vào truyền dạy trong nhà trường. Năm học 2016-2017 trường Tiểu học Đông Minh đã xây dựng kế hoạch về việc đưa văn hóa dân tộc vào truyền dạy cho các em học sinh, kế hoạch này đã trình cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục phê duyệt và đánh giá cao về hiệu quả và chất lượng các nội dung truyền dạy.

     Đông Minh là một xã thuộc diện khó khăn của huyện Yên Minh, địa hình xã phức tạp, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, dân cư phân bố không đồng đều, toàn xã có 16 thôn bản với 545 hộ = 2.513 khẩu, có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Giấy chiếm 85%. Xuất phát điểm của một xã có nhiều dân tộc cùng chung sống nên có nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng. Mỗi dân tộc đều mang trong đó một bản sắc văn hóa hết sức độc đáo như: Hội Lồng Tồng của người Tày và người Giấy; Lễ hội múa Ngựa Giấy của người Giấy; Lễ hội Cúng rừng già của dân tộc Nùng, v.v.. Bản sắc văn hóa các dân tộc ở Đông Minh được ví như một “di sản” quý trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam .

     Để lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, trong thời gian qua, Trường tiểu học Đông Minh đã tổ chức đưa văn hóa dân gian vào trường học tạo nên một sức sống mới về việc gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Việc đưa các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian vào nhà trường đã giúp các em học sinh hướng về cội nguồn và hiểu hơn những giá trị độc đáo trong văn hóa cổ truyền dân tộc.

     Thực hiện chủ trương đưa văn hóa truyền thống vào trường học, trường tiểu học Đông Minh đã tạo ra một sân chơi khá bổ ích và lý thú trong các giờ ra chơi và ngoại khóa. Bên cạnh việc áp dụng các trò chơi theo hướng dẫn của ngành giáo dục, mỗi thầy, cô giáo còn tìm tòi, sáng tạo tổ chức chơi các trò chơi dân gian có tính địa phương, vùng miền.

     Bằng sự sáng tạo và yêu nghề, các thầy, cô giáo cùng các nghệ nhân của xã đã khéo léo đưa văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian vào các hoạt động vui chơi của học sinh, sự kết hợp giữa trò chơi và các hoạt động khám phá giúp cho giờ học của các em thêm sôi động và làm cho các em thêm thích thú khi tham gia vào các hoạt động đó. Một buổi học có sự kết hợp nhịp nhàng giữa trò chơi dân gian, hát dân ca và hoạt động học tập tạo nên môi trường học tập tích cực và thân thiện, giúp học sinh dễ hòa nhập với môi trường xung quanh hơn.

     Đối với các em học sinh, những làn điệu dân ca, những trò chơi dân gian là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, là nguồn nuôi dưỡng thế giới tinh thần, là nhịp cầu nối tâm thức các em với mọi bài học về cuộc sống xã hội. Tổ chức cho các em hát dân ca, chơi các trò chơi dân gian không chỉ là phương tiện giúp các em phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết mà còn thêm yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Để các em có ý thức bảo tồn, trân trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình thì việc đưa văn hóa truyền thống vào trường học là một việc làm cần thiết./.


Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập