Quốc phòng - An ninh

TIẾP BƯỚC TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TỈNH HÀ GIANG

10/05/2022 01:59 159 lượt xem

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc có diện tích 7.929,4834 km. Phía Bắc Hà Giang giáp 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) có đường biên giới dài 277,556 km qua 7 huyện vùng cao: Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái; có 195 xã, phường, thị trấn, 10 huyện và một thành phố Hà Giang. Địa hình Hà Giang hình thành 2 vùng tự nhiên tương đối rõ rệt: Vùng núi cao phía Bắc và vùng núi thấp phía Nam; với nhiều núi cao, sông suối, rừng dày rậm rạp, trở thành thành luỹ tự nhiên, hiểm hóc, án ngữ một vùng địa đầu Tổ quốc ở phía Bắc và thuận lợi cho việc phát triển chiến tranh du kích, ém giấu lực lượng, xây dựng các khu căn cứ chiến đấu, đặc biệt là ở vùng núi thấp phía Nam của tỉnh.

Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hà Giang, vùng đất cực Bắc của Tổ quốc với những núi non hùng vĩ, nơi đầu nguồn của những dòng sông đỏ lựng phù sa, nơi tụ cư của hàng chục dân tộc anh em đã ghi đậm những kỳ tích oai hùng trong công cuộc bảo vệ vùng biên cương Tổ quốc. Biên giới Hà Giang xưa kia luôn luôn là vùng tranh chấp quyết liệt giữa các triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Quốc. Trong các phương lược phòng thủ biên thuỳ của các triều đại phong kiến đều coi Hà Giang là vùng “trọng trấn”, là “phên dậu” của Tổ quốc Việt Nam và trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, khi đất nước có giặc ngoại xâm, quân dân Hà Giang luôn cùng với quân dân cả nước đứng lên đấu tranh giành độc lập, chủ quyền. 
    Hình thành từ những đội du kích, tự vệ cứu quốc đầu tiên ở Hùng An (Bắc Quang), ở Đường Âm (Bắc Mê), ở Ngọc Long, Du Già, Đường Thượng (Yên Minh), LLVT Hà Giang đã phát triển rất nhanh, thành đội quân tuyên truyền xung kích trong cuộc vận động cách mạng giành chính quyền, đội quân chiến đấu và công tác trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Mỗi bước trưởng thành của sự nghiệp cách mạng ở Hà Giang 75 năm qua đều gắn liền với những chiến công vẻ vang của LLVT địa phương.
    Thực hiện Quyết định của Bộ tr¬ưởng Bộ Quốc phòng ký ngày 19/02/1947, hướng dẫn số 44/HD ngày 17/3/1947 của Bộ Tư lệnh Liên khu 10, ngày 10/5/1947, Tỉnh ủy, UBHCKC tỉnh Hà Giang quyết định thành lập Tỉnh đội bộ dân quân do đồng chí  Phạm Đức Hóa làm Tỉnh đội trưởng. Tỉnh đội bộ lúc đầu chỉ có 6 cán bộ với chức năng chủ yếu là tổ chức, hướng dẫn dân quân du kích hoạt động; Bộ đội cảnh vệ tỉnh vẫn do Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh trực tiếp lãnh đạo chỉ huy. Tháng 6 năm 1949, thực hiện Sắc lệnh về thành lập Bộ đội địa phương (BĐĐP) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ đội cảnh vệ tỉnh đổi thành bộ đội địa phương. Cũng từ đây, Tỉnh đội bộ được kiện toàn với đủ các phòng, ban, gọi là Ban chỉ huy tỉnh đội và trực tiếp đảm nhận vai trò lãnh đạo chỉ huy BĐĐP và DQTV. Tháng 6/1970, trước yêu cầu phát triển  lực lượng ngày càng tăng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ủy Tỉnh đội được thành lập thay cho Ban cán sự trư¬ớc đây và từ ngày 12/10/1971, Ban chỉ huy Tỉnh đội được nâng lên thành Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang cho đến nay.
          Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, địa bàn Hà Giang có vị trí chiến lược trọng yếu, bảo vệ hướng quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc, giữ thông đường liên lạc giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Trung Quốc và các nước XHCN. Thực dân Pháp và phản động tay sai luôn tìm mọi cách tiêu diệt chính quyền cách mạng và LLVT còn non trẻ, để lập lại chế độ Thổ ty, Bang tá phong kiến, nhằm thực hiện âm mưu ''Khép kín biên giới'', lập “Xứ Nùng tự trị”' ở Hoàng Su Phì.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Giang là một tỉnh hậu phương của cuộc kháng chiến. Lợi dụng địa bàn vùng cao biên giới, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc còn hạn chế, đế quốc Mỹ và bọn phản động ở địa phương dùng mọi thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. LLVT Hà Giang luôn nêu cao cảnh giác, phát hiện, dập tắt cuộc bạo động phản cách mạng ở Đồng Văn cuối năm 1959, đầu năm 1960 do Thổ ty phong kiến cũ kết hợp với bọn phản động Quốc dân đảng Trung Hoa phát động. LLVT ta đã diệt và làm bị thương 84 tên đầu sỏ ngoan cố, bắt và gọi hàng 459 tên, tập trung cải huấn tại chỗ 466 tên, thu gần 500 súng các loại. Tới tháng 8/1962 LLVT Hà Giang đã tiêu diệt và bắt sống hầu hết bọn thổ phỉ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Trong thời kỳ cải tạo và xây dựng CNXH 1955 - 1962, LLVT Hà Giang đã tham gia đắc lực vào các cuộc vận động chính trị ở địa phư¬ơng, điển hình là các cuộc vận động Giảm tô, giảm tức - Cải cách dân chủ - Xây dựng hợp tác xã - Xóa mù chữ - Định canh định cư - Đẩy mạnh sản xuất - Làm đường giao thông - Bảo vệ trị an …Góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, từng bước khắc phục những hậu quả nặng nề do thực dân, phong kiến để lại, phát triển kinh tế văn hóa, cải tạo và xây dựng CNXH. 
Phát động toàn dân tham gia xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, biệt kích của đế quốc Mỹ. Đây là giai đoạn phát triển toàn diện của các LLVT địa ph¬ương cả về chất lượng, số l-ượng. Năm 1971, Ban chỉ huy Tỉnh đội được nâng lên thành Bộ CHQS tỉnh và thành lập Ban CHQS các huyện; bộ đội địa phương tổ chức thêm 02 đại đội cao xạ và trang bị súng cao xạ cho lực lượng dân quân. Lực lượng DQTV luôn chiếm tỉ lệ trên 10% dân số, được tổ chức chặt chẽ, huấn luyện chu đáo, là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận chiến đấu, sản xuất, bảo vệ trị an. Hàng chục trận địa trực chiến phòng không bắn máy bay của DQTV phối hợp với các trận địa pháo phòng không cỡ lớn của bộ đội địa phương và chủ lực cấp trên, tạo nên lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, bảo vệ vững chắc các mục tiêu trọng yếu của tỉnh. Ngày 15/11/1965 đại đội 109 súng Cao xạ 37 ly  đã chiến đấu ngoan cường với máy bay Mỹ bảo vệ cầu Vĩnh Tuy; tấm gương Chính trị viên Nguyễn Quang Thuật bị gẫy 1 chân vẫn bò bằng tay tới từng hầm pháo chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt, sau đó anh dũng hy sinh được cả lực lượng phòng không toàn quốc học tập và được tuyên dương trong Đại hội mừng công Quân khu Việt Bắc. Khi giặc Mỹ liều lĩnh tung biệt kích xuống vùng núi Hà Giang làm hậu thuẫn cho cuộc chiến tranh phá hoại hậu phương miền Bắc của chúng; ngày 22/9/1967 quân dân ta đã nêu cao cảnh giác, phát hiện, bắt gọn toán biệt kích do Mỹ thả xuống vùng núi thuộc xã Việt Vinh (Bắc Quang). 
Đối với nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến đánh Mỹ, LLVT Hà Giang đã động viên, tổ chức 3 Tiểu đoàn, 4 Đại đội đi chiến đấu ở các chiến trường. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ Bộ đội biên phòng và công an được tăng cường cho chiến trường. Trong suốt cuộc kháng chiến, có trên 11.000 thanh niên các dân tộc Hà Giang tòng quân đánh Mỹ. 100% cán bộ chiến sĩ được bổ sung cho chiến trường đều hăng hái phấn khởi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều ng-ười trở thành ''Dũng sĩ diệt Mỹ'', thành cán bộ chỉ huy cao cấp trong quân đội. Lực lượng DQTV, DBĐV ngoài nhiệm vụ trực chiến, tuần tra, sẵn sàng chiến đấu, còn đóng góp hàng triệu ngày công đảm bảo giao thông, mở đường, phục vụ chiến đấu, làm thủy lợi, thủy điện, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. 
Đất nước vừa thống nhất, cả nước đang hân hoan mừng thắng lợi thì chiến tranh biên giới lại diễn ra ở Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc. Lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Hà Giang chưa được hưởng hòa bình trọn vẹn lại phải tiếp tục chiến đấu nơi tuyến đầu Tổ quốc. Ngày 17/2/1979 địch huy động hơn nửa triệu quân tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Tại biên giới tỉnh Hà Tuyên, địch huy động 2 sư đoàn chủ lực. Đây là thời điểm lực lượng vũ trang Hà Giang có quy mô và số lượng lớn nhất, nhằm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tỉnh duy trì thường xuyên 2 trung đoàn bộ binh (Trung đoàn 122, Trung đoàn 191 sau đó Trung đoàn 247, Trung đoàn 877); 1 trung đoàn đặc công (Trung đoàn 824 sau rút gọn còn Tiểu đoàn 21); 1 tiểu đoàn huấn luyện (Tiểu đoàn 12); 3 tiểu đoàn binh chủng (Tiểu đoàn pháo binh 25, tiểu đoàn công binh, tiểu đoàn thông tin); 1 tiểu đoàn phục vụ (Tiểu đoàn quân y 40) và 2 đại đội (vận tải và trinh sát). Ở các Ban chỉ huy quân sự huyện duy trì 9 tiểu đoàn bộ binh (phiên hiệu từ số 1 đến 8 và 11); 7 đại đội pháo hỗn hợp. Bộ đội biên phòng cao điểm có 33 đồn; 1 tiểu đoàn cơ động. Lực lượng dân quân tự vệ: 92.017 người (có 9.595 đảng viên, 76.045 đoàn viên, 10.886 quân nhân xuất ngũ) biên chế thành 22 tiểu đoàn, 48 đại đội, 1.148 trung đội. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh huy động 52.000 DQTV, dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới. Với lực lượng hùng hậu như vậy, trong chiến đấu, lực lượng vũ trang địa phương đã phối hợp với các binh đoàn chủ lực của Bộ và Quân khu bảo vệ vững chắc lãnh thổ Tổ quốc. 
Với những chiến công và thành tích bảo vệ biên giới, ngày 29/8/1985 Hội đồng nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho quân và dân tỉnh Hà Tuyên, quân dân huyện Vị Xuyên, Yên Minh, quân dân xã Bạch Đích, Phú Lũng (Yên Minh), xã Tả Ván (Quản Bạ), Đồn biên phòng 105.
Trải qua 75 năm vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa tham gia chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, lực lượng vũ trang Hà Giang đã phát huy truyền thống quí báu, tốt đẹp của ông cha ta, vận dụng vào các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, sáng tạo ra những cách đánh hay, biện pháp phù hợp, hiệu quả và đều giành được thắng lợi. Từ trong thực tiễn quá trình tổ chức, xây dựng và phát triển của lực lượng vũ trang tỉnh, tham gia vào các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiễn sĩ LLVT Hà Giang đã xây đắp nên truyền thống “Trung thành – Đoàn kết – Kiên cường – Chiến thắng”.
Để viết tiếp truyền thống vẻ vang “Trung thành – Đoàn kết – Kiên cường – Chiến thắng” của LLVT tỉnh Hà Giang, cán bộ, chiến sỹ LLVT huyện Yên Minh quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt một số nội dung: 
 Tích cực, chủ động làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công tác Quân sự, quốc phòng trong LLVT huyện sát thực tế, hiệu quả. Thường xuyên, quán triệt sâu sắc, nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; các chiến lược về Quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, chỉ đạo hoạt động Quân sự, quốc phòng trong LLVT huyện. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của huyện, với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu” về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, đi đầu trong thực hiện và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, giáo dục pháp luật. Phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình, chăm lo xây dựng và tạo điều kiện cho các tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ.  Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đơn vị thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân khu lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Minh lần thứ XVIII. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Giữ vững và chấp hành nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, nhạy bén, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ
Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, huấn luyện, diễn tập, nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, nền nếp chính quy, tác phong quân nhân, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, chiến sỹ. Quản lý chặt chẽ an ninh chính trị nội bộ, giữ gìn bí mật quân sự, bí mật nội bộ. Xây dựng và luyện tập thuờng xuyên các phương án tác chiến phòng thủ, chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên vững mạnh, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tham gia làm tốt nhiệm vụ vận động nhân dân chấp hành đường lối, chính sach của Đảng, pháp luật Nhà nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phòng chống thiên tai. 
Kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, cán bộ, chiến sỹ LLVT huyện Yên Minh đã và đang ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm truyền “Trung thành - Đoàn kết - Kiên cường - Chiến thắng” của LLVT tỉnh Hà Giang.
 

Vương Dũng - Ban CHQS Huyện

Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập