Thông tin tuyên truyền

Yên Minh phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ phát triển rừng

31/08/2023 09:06 224 lượt xem

Yên Minh là một huyện biên giới vùng cao núi đá nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hà Giang, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Nam giáp tỉnh Cao Bằng và huyện Bắc Mê, phía Tây giáp huyện Quản Bạ và huyện Vị Xuyên, phía Đông giáp huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc. Địa hình huyện Yên Minh phức tạp và bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, độ cao trung bình 1.200 mét so với mặt nước biển. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 77.520,9 ha, trong đó đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 51.811,14 ha (diện tích có rừng là 31.379,19 ha; diện tích chưa có rừng là 20.431,95 ha).
Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, thời gian qua, huyện Yên Minh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn. Thực hiện Chương trình số 30 -CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 13 -CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch số 98 -KH/HU ngày 28/9/2017 về thực hiện Chương trình số 30 -CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đưa ra chỉ tiêu phấn đấu nâng độ che phủ rừng từ 39,8 lên 44,0%. Trên cơ sở kế hoạch đã ban hành, yêu cầu các cấp ủy đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp cơ quan, đơn vị căn cứ nội dung để xây dựng phương án, kế hoạch chi tiết về thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, kiểm tra, giám sát làm thay đổi quan điểm, tư tưởng, trách nhiệm của của đội ngũ cán bộ, đảng viên công chức, viên chức đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 
Từ năm 2017 - 2022, Hội đồng phổ biến pháp luật của huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng với các hình thức tuyên truyên truyền phong phú như thông qua các chuyên trang chuyên mục về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện; xây dựng, sửa chữa các bảng biển tuyên truyền, biển cấm về bảo vệ rừng, PCCCR; mở 04 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại Trường học; tuyên truyền trực tiếp tại chợ phiên xã; lồng ghép tại các cuộc họp thôn, cộng đồng dân cư được 21.771 lượt người. Thông qua công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân, chủ rừng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời khẳng định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các xã có diện tích rừng lớn; tăng cường hơn nữa sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với đó huyện cũng chỉ đạo điều phối các hoạt động, huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng (hỗ trợ gạo bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng, khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, hỗ trợ cây giống…), cụ thể: từ năm 2017 đến năm 2022, thực hiện trồng rừng 748,5ha; chi trả tiền khoán bảo vệ rừng 28.697.667.486 đồng; chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng 38.040.538.587 đồng; hỗ trợ gạo bảo vệ rừng 2.606.775 kg. Thông qua thực hiện cơ chế chính sách để gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, tiếp tục trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, khoanh nuôi, tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ, khả năng cung ứng phục vụ dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và các giá trị khác của rừng. Ưu tiên trồng, chăm sóc rừng đặc dụng, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tại các khu vực xung yếu có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét.
Chỉ đạo sắp xếp phân công nhiệm vụ cụ thể các cơ quan Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Kiện toàn, sắp xếp, củng cố, tổ chức lực lượng bảo vệ rừng theo hướng tinh gọn, thống nhất một đầu mối từ huyện xuống đến tận thôn bản; nâng cao hiệu quả tham mưu và thực thi pháp luật của lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chuyên môn. Công tác xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời, nghiêm minh, duy trì trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; quản lý chặt chẽ cơ sở chế biến lâm sản; triển khai các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa từ xa, tận gốc các hành vi vi phạm, giải quyết hiệu quả, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, công an điều tra làm rõ 05 vụ việc vi phạm có tính chất nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng đưa vụ án và các đối tượng ra xét xử công khai, tạo sự răn đe, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại các địa bàn trọng điểm. 
Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện việc rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; đồng thời quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp, dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện, đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; tổ chức điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý phân định, đánh mốc ranh giới 3 loại rừng trên bản đồ và thực địa đến đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn; ranh giới quản lý của các chủ rừng; xây dựng dữ liệu địa lý để quản lý lâu dài; phấn đấu hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền trong công tác tuyên truyền quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương, của  tỉnh và huyện, trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức kiểm tra, thanh tra về tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, qua đó đã kịp thời yêu cầu khắc phục đối với các tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị còn thiếu xót, đồng thời biểu dương các tổ chức Đảng cơ sở, cơ quan đơn vị  thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để nâng cao vai trò và khẳng định vị thế, vị trí của cấp ủy trong lãnh đạo nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan đơn vị, nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo và chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 13 -CT/TW, xác định rõ đây là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương từ thôn bản, đến cấp xã, thị trấn, cấp huyện, phải xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời nêu rõ trách nhiệm đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể các mức độ và áp dụng hình thức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc do các nguyên nhân chủ quan khác mà để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác rừng, kinh doanh, chế biến lâm sản trái pháp luật và cháy rừng, tạo thành điểm nóng, gây bức xúc trong dư luận. Thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia và thông lệ quốc tế, tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động thu hút nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hợp tác quốc tế với chính quyền các cấp của phía đối đẳng (Trung Quốc) để trao đổi thông tin, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, cháy rừng, bảo vệ an toàn diện tích rừng khu vực biên giới, góp phần ổn định an ninh kinh tế, chính trị, quốc phòng khu vực biên giới.
Dưới sự lãnh chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo, việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở quán triệt nghiêm túc và triển khai, thực hiện có hiệu quả. Qua đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên công chức, viên chức và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Công tác phối hợp giữa ngành với ngành, ngành với cấp trong tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện có hiệu quả, số vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn huyện được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, tăng diện tích rừng trồng mới, tăng phẩm cấp, chất lượng rừng tự nhiên, từ đó góp phần nâng cao độ che phủ rừng, giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái. Các nguồn lực hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã và đang đóng góp quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, giảm áp lực xâm hại đến rừng trên địa bàn.

Nguyễn Việt Bách - Chi bộ hạt kiểm lâm

Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập