Văn hóa - Xã hội

Người giữ gìn nghề đan quẩy tấu tại xã Thắng Mố

03/02/2016 00:00 183 lượt xem

Đối với đồng bào dân tộc Mông, chiếc quẩy tấu vừa là thứ đồ dùng, vừa là phương tiện vận chuyển phổ biến. Đồng bào Mông quan niệm rằng, mọi sự tồn tại đều phải gắn liền với lao động sản xuất và khi mang theo chiếc quẩy tấu bên mình, con người ta sẽ vững chãi hơn, tự tin hơn trước thiên nhiên, núi rừng bởi nó là biểu tượng của sự cần cù. Ở thôn Sủng Pờ-xã Thắng Mố, nghề đan quẩy tấu vẫn được giữ gìn qua năm tháng và người truyền lại nghề này cho lớp thanh niên trong thôn là ông Giàng Nhìa Pó, người đã có 40 năm gắn bó với nghề đan quẩy tấu.

 Sủng Pờ là thôn biên giới còn nhiều khó khăn của xã Thắng Mố, giao thông đi lại không thuận tiện. Đây là nơi sinh sống của 36 hộ đồng bào dân tộc Mông, người dân ở đây sống bằng sản xuất nông nghiệp nhưng họ còn gìn giữ 1 nét đẹp rất đặc biệt đó là nghề đan quẩy tấu. Mỗi gia đình trong thôn đều dành riêng 1 mảnh đất để trồng cây trúc làm nguyên liệu đan quẩy tấu, bởi vậy, tổng diện tích trồng trúc của toàn thôn đã có gần 10 ha. Ông Giàng Nhìa Pó được biết đến là 1 trong những người có kinh nghiệm đan quẩy tấu lâu năm ở trong thôn. 12 tuổi ông được cha dạy đan quẩy tấu và đến giờ 40 năm đã trôi qua, ông trở thành người đan quẩy tấu nhanh, khéo và đẹp nhất trong thôn. Ông Pó nói đây là 1 nét đẹp đặc biệt của đồng bào Mông nên phải gìn giữ và truyền lại cho con cháu. Với ông, chiếc quẩy tấu không chỉ là vật dụng gắn bó với đồng bào Mông mà nhờ nó còn giúp cho lớp thanh niên trẻ tuổi trong thôn thêm yêu nét đẹp của dân tộc mình.

Để có những chiếc quẩy tấu đẹp và chắc chắn, ông Pó tự tay lựa chọn trúc để đan, ông cũng hướng dẫn cách thức lựa chọn trúc cho thanh niên trong thôn. Ông nói những cây trúc thẳng, dóng trúc dài và có gốc nhỏ, đặc biệt phải còn nguyên phần ngọn mới là cây trúc tốt để đan quẩy tấu. Bàn tay chai sạn qua năm tháng của ông nhanh thoăn thoắt từ chẻ nan, vót nan và đan. Mỗi ngày, ông có thể đan hoàn thành 1 chiếc quẩy tấu. Trước thì việc đan quẩy tấu chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình và thường chỉ đan vào những lúc nông nhàn nhưng nhờ ông Pó truyền nghề mà đến nay những người dân ở thôn Sủng Pờ đan quẩy tấu quanh năm để bán ra thị trường. Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình trong thôn đều đan quẩy tấu để có thêm thu nhập. Những thanh niên người Mông trong thôn hầu như ai cũng biết đan quẩy tấu. Họ nói rằng, tất cả là nhờ ông Pó, người đã gìn giữ và truyền lại nét đẹp này cho người dân trong thôn.

Có lẽ ít có vật dụng nào gần gũi và gắn bó với người Mông như chiếc quẩy tấu, khi đi nương, quẩy tấu dùng để đựng dụng cụ lao động từ nhà lên nương, khi về nhà, quẩy tấu lại đựng các sản vật từ nương về nhà... Chiếc quẩy tấu chính là sự sáng tạo trong lao động của đồng bào dân tộc Mông. Và những người như ông Pó, vẫn đã và đang gìn giữ những nét đẹp đặc trưng của địa phương.

Một mùa xuân mới lại về, nhà ông Pó lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói của những người đến học đan quẩy tấu. Người đàn ông với dáng người nhỏ nhắn vẫn miệt mài hướng dẫn tỉ mỉ cách chẻ nan, vót nan và từng mũi đan cho lớp thanh niên trong thôn. Từng chiếc quẩy tấu mới ra đời là chắt chiu tình yêu nét đẹp của dân tộc mình. Những nụ cười, ánh mắt rạng ngời của người dân nơi đây vẫn như đang khẳng định nét đẹp trường tồn của một vật dụng gắn bó bao đời với người dân trên Cao nguyên đá.


Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập