Thông tin tuyên truyền

“Chữa bệnh” né tránh, sợ trách nhiệm

02/08/2023 14:25 43 lượt xem

Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua là yêu cầu phải khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực thi pháp luật; tính cấp thiết phải vượt qua được “căn bệnh” né tránh, sợ trách nhiệm.

“Chữa bệnh” né tránh, sợ trách nhiệm

Hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm đã có từ rất lâu và đến hiện tại tình trạng này dường như nặng và phức tạp hơn…Do vậy, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả. Đồng nghĩa với việc cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế.

Nguyên nhân của vấn đề này, theo các đại biểu, có thể do thiếu trách nhiệm, nhưng cũng có những trường hợp là một bộ phận cán bộ năng lực, trình độ hạn chế.

Do vậy, việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế nên làm việc gì cũng sợ, né tránh hoặc đùn đẩy. Nguyên nhân khách quan là pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Theo các đại biểu, ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu và phải quyết liệt xử lý những người không làm được việc. Ngoài việc gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong công việc cũng cần có cơ chế bảo vệ cho người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chung.

Các đại biểu kiến nghị cần tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn, có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá.

Công tác đánh giá cán bộ cũng cần phải được đổi mới, cách đánh giá cần giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng, nếu mình làm vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng.

Liên quan đến việc khắc phục tình trạng tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, được nhiều đại biểu đề cập, tranh luận, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội không chỉ đưa ra yêu cầu “sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” mà còn yêu cầu “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm”.

Những giải pháp được Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, đưa ra đã tương đối đủ để góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị quyết Kỳ họp cũng yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc, kiến nghị của địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Qua đó phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Nêu ý kiến cá nhân về giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ né trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho rằng, Quốc hội đã nêu rõ, trực diện và thẳng thắn “tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội”.

Theo ông An, đây là lần đầu tiên Quốc hội ghi nhận trong nghị quyết chính thức của Quốc hội về vấn đề này. Do vậy, trong điều hành cần có giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt, ai có công thì được thưởng, ai làm chưa tốt phải có hình thức kỷ luật phù hợp để chấn chỉnh tinh thần, thái độ làm việc.

Quốc hội yêu cầu sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đại biểu và cử tri kỳ vọng, khi văn bản này được ban hành sẽ giải quyết có hiệu quả vấn đề đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.        


Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập