Những mảnh vườn đơm hoa, kết trái

10/01/2022 14:59 80 lượt xem

Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 1.12.2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp (CTVT), phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã có 2.477 vườn tạp được cải tạo. Những mảnh vườn đã và đang đơm hoa, kết trái, từng bước thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Những mảnh vườn đơm hoa, kết trái
hân dân xã Đông Minh (Yên Minh) hỗ trợ gia đình anh Tháng Thanh Bắc, thôn Tu Đoóc cải tạo vườn tạp.

Ngay sau khi Nghị quyết 05 được ban hành, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) CTVT. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025. UBND tỉnh phê duyệt Đề án CTVT giai đoạn 2021-2025; kế hoạch triển khai thí điểm Đề án CTVT năm 2021; hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết số 58 và thành lập Tổ giúp việc cho cơ quan Thường trực BCĐ CTVT của tỉnh. Cuối tháng 1.2021, BCĐ cấp tỉnh đã tổ chức Lễ phát động chương trình; cuối tháng 2.2021, 11/11 huyện, thành phố hoàn thành phát động chương trình và tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Nghị quyết 05 tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội triển khai tới các cấp hội xây dựng mô hình thí điểm, phát động CTVT tới toàn thể hội viên. Các sở, ngành nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn thực hiện.

Chỉ trong 1 năm, các huyện, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức gần 10.000 buổi tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 05, với trên 680.000 lượt người tham gia. Có trên 1.000 tin, bài, phóng sự về chương trình CTVT được đăng tải, phát sóng trên Đài PT-TH tỉnh, Báo Hà Giang, các trang thông tin điện tử ngành, huyện, thành phố… Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho gần 30.000 lượt người là thành viên BCĐ, hội nông dân, phụ nữ, tổ thẩm định cấp xã, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn bản và các hộ dân thực hiện CTVT.

Từ sự vào cuộc của các cấp, ngành, đến 31.12.2021, toàn tỉnh có 2.477 hộ đã thực hiện, tương đương 2.477 vườn được cải tạo, vượt gần 700% kế hoạch năm. Trong đó, có 1.220 hộ nghèo, cận nghèo (hộ thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 58) và 1.257 hộ không nghèo. Tổng kinh phí hỗ trợ CTVT 36.892 triệu đồng, trong đó có gần 6 tỷ đồng xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân. Đã có 1.032 hộ được giải ngân vốn vay theo Nghị quyết 58, vượt 289% so với kế hoạch của UBND tỉnh và đạt 15,87% so với chỉ tiêu Đề án CTVT; tổng nguồn vốn đã giải ngân 30.355 triệu đồng, đạt 99,95% tổng kinh phí ủy thác. Qua đó, đã có trên 113 ha vườn tạp được cải tạo. 

Hiệu quả bước đầu cho thấy, trong 1.032 vườn được vay vốn hỗ trợ, có 808 vườn đạt từ 3 tiêu chí trở lên, đạt chất lượng và bắt đầu cho sản phẩm, thu nhập; trong đó, có 629 vườn/8 huyện cho tổng thu nhập 24.066 triệu đồng, bình quân lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 8,3 triệu đồng/hộ/năm, thu nhập cao gấp 2-3 lần trước khi chưa cải tạo vườn. Chương trình CTVT không chỉ được triển khai mạnh mẽ với các hộ nghèo, cận nghèo mà đã lan tỏa, nhân rộng trong các hộ trung bình, khá và giàu hướng tới cải tạo, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu, nâng cao thu nhập, quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại sản xuất cho người dân, gắn với xây dựng Nông thôn mới ở khu vực nông thôn. Sau 1 năm đã có 1.257 hộ chỉnh trang lại vườn, với tổng diện tích trên 175 ha; có trên 500 hộ thu nhập từ cải tạo vườn với lợi nhuận bình quân đạt 7,9 triệu đồng/hộ/năm.

Không những thế, sau 1 năm thực hiện, trên 300 vườn mẫu ở các huyện, thành phố được thực hiện tốt và CVTV thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, linh hoạt trong triển khai CTVT như huyện Vị Xuyên, Bắc Quang bổ sung thêm các tiêu chí; Hoàng Su Phì đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; Quản Bạ lập nhóm thông tin qua mạng xã hội Zalo để trao đổi thông tin hàng ngày, xếp đá, đổ đất, triển khai hình thức đầu tư có thu hồi; vận động trường học bao tiêu sản phẩm rau cho bà con và phát động CTVT gắn với Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở của tỉnh; huyện Mèo Vạc, Đồng Văn thực hiện xếp đá, đổ đất để trồng cây ăn quả, chăn nuôi, huy động được đông đảo lực lượng cán bộ và nhân dân giúp đỡ các hộ CTVT…

Đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện chương trình CTVT, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng chung quan điểm: Chương trình đã thực sự đi vào đời sống của nhân dân, dần thay đổi nhận thức của người dân; không gian sinh sống của hộ gia đình được sắp xếp lại hợp lý, khoa học, ngăn nắp, thuận lợi cho sinh hoạt; thôn xóm sạch – đẹp, tác động tích cực đến chương trình xây dựng Nông thôn mới. CTVT đang dần thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, không để đất bỏ hoang; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những hướng đi tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, hướng tới giảm nghèo bền vững. Nhiều hộ CTVT đã giải quyết được nguồn thực phẩm xanh cho gia đình, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày, đời sống từng bước thay đổi… góp phần tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

CTVT là chương trình mới nên còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Nhưng với những kinh nghiệm và thành quả gặt hái trong năm qua, tin tưởng tinh thần Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả trong năm 2022.

Hà Hường

Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập