Văn hóa - Xã hội

Nghệ nhân Mua Mí Páo – Biểu tượng khèn Mông trên cao nguyên đá

12/09/2017 00:00 149 lượt xem

Hiện nay, quá trình hội nhập sâu rộng cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế đã dẫn đến nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông dần bị mai một, đặc biệt là văn hóa khèn Mông. Tuy vậy, ngược với sự xô bồ, hào nhoáng của đời sống hiện đại, có người vẫn âm thầm, lặng lẽ miệt mài, nghiên cứu, sưu tầm những bài khèn, điệu múa khèn và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ trong hơn 30 năm qua trên địa bàn huyện Yên Minh. Đó là nghệ nhân Mua Mí Páo ở thôn Nà Hán thị trấn Yên Minh, người được coi là kho tàng sống về văn hóa khèn Mông hiện nay...

    Nghệ nhân Mua Mí Páo, Thôn Nà Hán Thị trấn Yên Minh hiện là một trong số ít người còn sống rất am hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa và sử dụng nhuần nhuyễn cây khèn mông ở huyện Yên Minh. Năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng nghệ nhân Mua Mí Páo vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Ít ai biết, hơn 30 năm qua, nghệ nhân Mua Mí Páo đã đi khắp các các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để truyền dạy việc thổi khèn, múa khèn mông cho bất cứ ai có nhu cầu. Trong ngôi nhà trình tường đơn sơ đã ngả màu thời gian, nghệ nhân Mua Mí Páo mời chúng tôi chén trà nóng thơm phức và bắt đầu câu chuyện của mình: “Đối với người mông thì nhạc cụ khèn là loại vũ khí giữ vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa hay trong các nghi lễ, tín ngưỡng hay trong các lễ hội của dân tộc, Khèn là vật dụng linh thiêng không thể thiếu của người Mông. Cây khèn là loại nhạc cụ duy nhất của người Mông để thể hiện tâm linh truyền thống tín ngưỡng, nó được ví như 1 thứ âm thanh nói thay lời của người sống với những người đã khuất. Đồng thời cũng luôn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai mông xuống chợ hay đi nương”.

   Cuộc sống còn nặng gánh lo toan cơm áo và khó khăn, vất vả nhưng nghệ nhân Mua Mí Páo vẫn dành nhiều thời gian trong việc truyền dạy văn hóa khèn mông cho thế hệ trẻ. Theo ông, với người mông thì cây Khèn là loại nhạc cụ vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như văn hóa, tín ngưỡng và các lễ hội. Cây Khèn là một biểu tượng linh thiêng không thể thiếu đối với người Mông. Tiếng khèn là thanh âm kết nối giữa người sống với người đã khuất, kết nối thế giới thực tại với thế giới siêu linh. Vì lẽ đó, nghệ nhân Mua Mí Páo luôn đau đáu việc bảo tồn và làm sao để truyền dạy cho thế hệ trẻ trên 100 bài khèn cùng hơn 30 điệu múa khèn truyền thống của đồng bào Mông. Nghệ nhân Mua Mí Páo cho biết: Ông thường tuyên truyền, động viên lớp trẻ hiện nay cố gắng học khèn và tạo mọi điều kiện cho các cháu học khèn, làm sao để các cháu biết được bản sắc văn hóa của mình để mà giữ gìn và phát huy”.

    Yêu tiếng khèn nên ông đã rất gắn bó và say mê với cây khèn Mông. Âm vang của tiếng khèn, tha thiết, ngọt ngào, được ông gửi gắm vào tình yêu nơi bản làng, với núi rừng quê hương hay đơn giản là chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Vào những ngày rảnh rỗi, người dân trong thôn Nà Hán dù là lớn tuổi hay nhỏ tuổi cũng tập trung ở nhà ông để cùng thổi khèn, múa khèn và tìm hiểu, tập luyện dưới sự hướng dẫn tận tình từng li từng tí của nghệ nhân Mua Mí Páo. Nhờ được ông truyền dạy thổi khèn, múa khèn nên rất nhiều học trò của ông nay đã trở thành những người thổi khèn có tiếng. Anh Mua Mí  Vư - Thôn Nà Hán - Thị Trấn Yên Minh cho biết: “việc học khèn Mông chính là để gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

    Quyết tâm, gìn giữ và đưa Khèn Mông đến với đông đảo thế hệ thanh niên hiện nay, ông Páo đã đi tiên phong trong chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khèn Mông. Ông không chỉ tổ chức dạy khèn Mông cho thanh niên thôn Nà Hán mà còn nhiệt tình tham gia truyền dạy tại các trường học trên địa bàn huyện.

    Cây khèn Mông gắn bó với nghệ nhân Mua Mí Páo từ thời trai trẻ đến khi mái tóc đã nhuốm màu thời gian. Thế nhưng, ngọn lửa đam mê vẫn luôn hừng hực trong từng ánh mắt, từng bước chân, từng động tác điêu luyện của ông khi thổi khèn, múa Khèn… Bất chợt, chúng tôi tin, cây Khèn cũng như những tiếng khèn, điệu múa Khèn Mông sẽ không bị mai một, thất truyền và sẽ còn đến muôn đời sau trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông trên vùng cao nguyên đá./.


Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập