Thông tin tuyên truyền

NÉT ĐẸP NGÔI NHÀ ĐÁ TẠI PHÚ LŨNG

31/12/2014 00:00 421 lượt xem

Hà Giang - mảnh đất thiêng liêng nơi biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc là nơi mà khi nhắc tới với mỗi người dân Việt Nam đều có cái gì đó thân thương bởi nơi đây có cột cờ Lũng Cú- đỉnh cao nhất của cực Bắc với những dãy núi đá tai mèo trùng điệp. Nơi đây còn lưu giữ văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá. Người dân tộc Dao không phải chiếm phần đông nhất trong số các dân tộc làm ăn sinh sống từ bao đời nay trên vùng cao nguyên cực Bắc nhưng họ lại có đời sống văn hóa vô cùng phong phú, đa sắc màu. Và nếu 1 lần ghé thăm phía Bắc của huyện Yên Minh, đến với xã biên giới Phú Lũng, chắc chắn du khách sẽ bị ấn tượng ngay bởi nét đẹp đặc trưng của những ngôi nhà đá.
Phú Lũng cách trung tâm huyện lị khoảng 40 km về phía Bắc và cách trục đường quốc lộ 4c 20 km, nét đẹp ở đây được thể hiện qua những cung đường quanh co, những dãy núi đá tai mèo trùng trùng, điệp điệp, nhưng có lẽ nét đẹp hoang sơ nơi đây lại in đậm trong những ngôi nhà được xây dựng bằng đá.

Người dân tộc Dao có truyền thống làm nhà trình tường bằng đất nhưng trên cao nguyên đá, đất canh tác ít, cấu tạo địa hình chủ yếu là núi đá dốc, việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng khó khăn nên để thuận tiện, họ đã biết tận dụng vật liệu đá sẵn có tại địa phương để xây dựng nhà ở và chính những ngôi nhà này đã tạo nên nét riêng biệt cho đời sống sinh hoạt của người Dao tại đây.

Nhà đá của người Dao vững trãi, những phiến đá được chọn để xây nhà là những phiến đá to bản, chắc, phẳng và dầy. Khâu chọn đá làm nhà cũng rất kĩ lưỡng vì họ quan niệm đã xây nhà là phải chắc từng viên bởi xây nhà không phải chỉ để mình ở mà còn cho thế hệ con cháu sau này. Những phiến đá được mài, đục một cách công phu để khi xây lên được những bức tường phẳng phiu. Nét đẹp của những ngôi nhà xây bằng đá là đá được để 1 cách nguyên bản, không có lớp xi măng phủ bên ngoài nên tạo được vẻ cổ kính, nguyên sơ.

Bình thường để xây 1 ngôi nhà đá to như thế này, những người thợ phải mất hàng tháng trời, thậm chí thời gian xây dựng có thể lên tới 1 năm. Nhà đá của người Dao, ấm về mùa đông, mát về mùa hè bởi những bức tường có bề dầy 40 đến 50 cm. Nguyên vật liệu để làm được 1 ngôi nhà đá của người dân tộc Dao chủ yếu là đá tại địa phương, từ khâu lấy nguyên vật liệu tới khâu xây dựng đều do người tại địa phương làm. Không có kiến trúc cầu kỳ nhưng nét đẹp của những ngôi nhà đá ở đây đều khiến bất kỳ du khách nào đến thăm cũng sẽ thấy trầm trồ và ngưỡng mộ bởi nét độc đáo mà có lẽ chỉ vùng cao nguyên đá Hà Giang mới có. Điều ấn tượng nhất khi ngắm nhìn những ngôi nhà đá này đó là sự kỳ công và cầu kỳ, tỷ mỉ trong việc đặt từng viên đá để xây nhà. Mạch xây có thẳng thì bức tường mới thẳng và đẹp... Người Dao làm nhà dựa lưng vào núi, trải qua bao đời, sinh sống bên những sườn núi, những ngôi nhà đá của người Dao nơi đây, vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ xưa, luôn hấp dẫn du khách đến và tìm hiểu phong tục tập quán của một dân tộc vùng cao trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhà đá của người Dao được lợp bằng ngói máng và được cấu trúc thường là nhà ba gian đến năm gian, có một cửa chính, một cửa ngách. Cửa sổ làm cao và hẹp, trong nhà thoáng mà ấm... Trong quần thể nhà ở có cả khu chuồng cho gia súc. Bậc cửa lên nhà cũng được làm bằng đá. Họ quan niệm phải vững chãi từ bậc cửa. Đây chính là nét độc đáo riêng mà chỉ người Dao-xã Phú Lũng của huyện Yên Minh mới có. Nhiều ý kiến cho rằng Hà Giang là nơi mà văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số được lưu giữ lâu bền nhất cho đến ngày nay và với nét đẹp riêng biệt của những ngôi nhà đá tại Phú Lũng sẽ tạo cho du khách ấn tượng mạnh khi tới thăm quan.

Nhà đá vùng cao không đồ sộ nhưng với nét đẹp đơn sơ, thực sự đã tạo ra 1 bức tranh sống động, xóa đi cái cảm giác lạnh, nơi mà chỉ có toàn đá tai mèo. Những nếp nhà trên cao nguyên đá là nơi sinh sống bao đời của người dân nơi đây và trải qua nhiều năm, người Dao ngày nay vẫn không ngừng sáng tạo để cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà vẫn không quên gìn giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc mình.
Là 1 trong 4 xã điểm được huyện chọn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bức tranh nông thôn ở xã vùng biên Phú Lũng nay đã khoác trên mình diện mạo mới nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống vốn có và là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch.

Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức ra nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, là địa điểm lý tưởng cho du khách ghé thăm mảnh đất cao nguyên nơi địa đầu tổ quốc. Tới thăm cao nguyên đá, thăm cột cờ Lũng Cú, du khách sẽ được đi qua những cung đường cua tay áo, qua những vạt rừng sa mộc xanh biếc, ngắm nhìn những đồi thông hàng chục năm tuổi và những ngôi nhà đá tại xã vùng biên Phú Lũng của huyện Yên Minh cũng là điểm dừng chân lý tưởng cho bất kỳ ai muốn khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ nơi cao nguyên đá./.

Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập