Kinh tế

Họp bàn triển khai kế hoạch Đề án tái cơ cấu Ngành nông nghiệp

14/12/2015 00:00 238 lượt xem

Chiều 11/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị họp bàn triển khai kế hoạch Đề án tái cơ cấu Ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh; Thường trực UBND các huyện, thành phố…

 Đề án tái cơ cấu Ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang nhằm thực hiện quá trình CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác làm nòng cốt liên kết, hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, chăn nuôi, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2020 mức độ cơ giới hóa làm đất bình quân toàn tỉnh đạt trên 60,4%, riêng vùng cao đạt 25%. Về khâu gieo trồng, cấy đối với vùng thấp có điều kiện chuyển sang sử dụng công cụ gieo xạ, máy cấy khay, máy tra hạt tốc độ cao. Mức độ cơ giới hóa đối với cây trồng hàng năm ở khâu sấy, bảo quản đạt trên 25%; cây lây năm ở khâu chăm sóc đạt 39%. Thực hiện đầu tư chiến lược chuỗi giá trị vườn chè theo tiêu chuẩn VietGap hoặc hữu cơ trên địa bàn các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần; xây dựng vườn cam tại các huyện có thế mạnh; xây dựng kế hoạch phát triển đàn trâu, bò hàng hóa tại các huyện. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các HTX, tổ hợp tác hoặc hộ nông dân là những đối tượng trực tiếp sản xuất có thể dễ dàng tiếp cận, vay vốn. Trước mắt trong năm 2016 phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp đạt 5%; đưa tỷ trọng chăn nuôi - thủy sản chiếm 24% ...

Tuy nhiên, trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 cũng xác định, chỉ ra những khó khăn như: Địa hình đất canh tác chia cắt, độ dốc lớn, sản xuất nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc áp dụng máy móc vào sản xuất, trong khi dịch vụ cơ giới hóa chưa phát triển; chất lượng lao động khu vực nông thôn thấp, chuyển dịch cơ cấu lao động chậm; công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng cho vùng sản xuất lớn chưa đáp ứng nhu cầu…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến ý nghĩa, tầm quan trọng của đề án đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Để thực hiện thành công, có hiệu quả đề án, đồng chí đề nghị các cấp, ngành, trực tiếp là Ngành nông nghiệp tỉnh cần đánh giá, bổ sung thêm giải pháp, xem xét lại các mục tiêu, xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện cho sát với từng lĩnh vực gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương. Tập trung triển khai kế hoạch cơ giới hóa nông nghiệp, trong đó có cơ chế chính sách, ưu tiên cho vay vốn đối với các HTX, hộ sản xuất trực tiếp mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; trước mắt tập trung triển khai thực hiện đề án đối với các huyện có thế mạnh trong sản xuất, chăn nuôi. Mỗi huyện, thành phố chọn xã điểm về chuyển đổi sản xuất giá trị cao, thực hiện cơ giới hóa gắn với việc dồn điền đổi thửa để triển khai thực hiện nhân rộng trong các năm tiếp theo.    


Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập