Văn hóa - Xã hội

CÁC TRƯỜNG HỌC TẠI HUYỆN YÊN MINH QUAN TÂM CHUYỂN ĐỔI CHẤT ĐỐT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

01/12/2014 00:00 181 lượt xem

Thực hiện đề án chuyển đổi chất đốt trên địa bàn, huyện Yên Minh đã có nhiều biện pháp linh hoạt trong triển khai thực hiện, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình xây dựng bếp đun cải tiến hay đẩy mạnh chăn nuôi để sử dụng chất đốt từ hệ thống Biôgar. Xác định tầm quan trọng của đề án, ngành giáo dục huyện Yên Minh cũng đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn chuyển đổi chất đốt trong việc thực hiện nấu ăn cho học sinh. Chính điều này đã góp phần đáng kể bảo vệ môi trường sống và bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn.
Tủ nấu cơm chuyên dụng đã được các trường học sử dụng rộng rãi.
Trường PTDT Nội trú cấp 2-3 Yên Minh là trường học trên địa bàn huyện Yên Minh có số lượng học sinh nội trú đông nhất. Với gần 600 em học sinh ăn ở tại trường. Trước đây để đảm bảo việc nấu ăn cho các em, nguyên liệu duy nhất được sử dụng là gỗ củi nên không mấy thuận tiện, nếu thời gian mưa kéo dài, nhà trường rất vất vả trong việc đảm bảo chất đốt cho nhà bếp. Đồng thời việc sử dụng gỗ củi ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên môi trường rừng trên địa bàn. Nhưng nay đã khác, từ khi chuyển sang dùng hệ thống khí đốt bằng gar, có nhiều tiện ích đã trông thấy rõ và cái được lớn nhất, hiệu quả nhất có lẽ là bảo vệ môi trường sống, góp phần gìn giữ màu xanh cho những cánh rừng trên cao nguyên đá.
ở nhiều trường học, hiện nay không còn cảnh học sinh góp củi để thổi cơm hàng ngày nữa mà thay vào đó là hệ thống gar tiên tiến. Trước đây các trường phải huy động các gia đình có con em ở bán trú nộp củi, hoặc nhà trường phải trích kinh phí sinh hoạt của học sinh để mua chất đốt phục vụ nấu ăn cho các em. Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân mà diện tích rừng trên địa bàn các xã đã bị chặt phá, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái. Nhưng từ khi chuyển sang dùng gar làm chất đốt, môi trường vệ sinh luôn được đảm bảo sạch sẽ, cùng với đó bữa ăn của các em đảm bảo hơn đã tạo rất nhiều thuận lợi cho các trường học trong việc nâng cao đời sống và chất lượng học tập cho các em học sinh.

Năm học 2014-2015, trên địa bàn huyện Yên Minh có 16 trường học được nâng cấp là trường PTDTBT, đây là những thuận lợi bước đầu để huyện Yên Minh từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt là với sự đầu tư của tỉnh và huyện, tất cả các trường học này đều được trang bị hệ thống bếp đun bằng gar, giúp cho những bữa ăn của học sinh bán trú đảm bảo hơn về chất lượng. Nhờ có sự đầu tư này thì ngoài việc đảm bảo vệ sinh trong từng bữa ăn của các em thì cái được lớn nhất là hạn chế được việc các hộ gia đình có con em theo học tại trường phải lên rừng kiếm củi để nộp cho con em mình, phục vụ việc sinh hoạt của các em tại trường.

Có thể khẳng định, tại huyện vùng cao Yên Minh thì các trường học trên địa bàn huyện là những nơi tiêu thụ khối lượng lớn củi đun phục vụ cho việc nấu ăn cho học sinh bán trú. Nhưng đến nay, phần lớn các trường học trên địa bàn huyện đã chuyển đổi từ đun củi sang đun bằng than tổ ong hoặc bằng gar, từ đó hạn chế tương đối được việc chặt phá rừng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.

Hiện nay, chất đốt tại các huyện vùng cao chủ yếu là cây rừng vì thế gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì và bảo vệ diện tích rừng. Đề án chuyển đổi chất đốt đã và đang được huyện Yên Minh thực hiện để giúp đồng bào trên địa bàn huyện có được nguồn năng lượng phục vụ sinh hoạt vừa đảm bảo mà hạn chế tối đa được việc chặt phá rừng thì việc các trường học trên địa bàn huyện Yên Minh chuyển sang sử dụng hệ thống bếp gar có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là những mô hình sử dụng biogar, trồng rau và nuôi lợn không chỉ đem lại những lợi ích thiết thực mà còn tạo ra hiệu quả kinh tế, giúp các trường học có thêm nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng sinh hoạt cho học sinh bán trú, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng cao. Đây có thể coi là mô hình thân thiện với môi trường, góp phần tiết kiệm năng lượng, cần được nhân rộng ra nhiều địa phương khác./.

Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập