Kinh tế

Định hướng phát triển đối với cây chè trên địa bàn huyện Yên Minh

04/11/2015 00:00 289 lượt xem

Cây chè được xác định là cây chiến lược trong xóa đói giảm nghèo, nhằm tận dụng thế mạnh của địa phương, từng bước đưa cây chè trở thành cây kinh tế mũi nhọn. Từ năm 2007 – 2011, với cơ chế hỗ trợ 100 % lãi suất cho các hộ trồng chè vay vốn. Sau 5 năm, huyện Yên Minh đã thực hiện trồng mới được 1.046,73 ha chè; nâng tổng diện tích chè hiện có của toàn huyện lên 1.322,73 ha.

 Cây chè được trồng và phát triển từ rất lâu trên địa bàn huyện Yên Minh, trở thành cây truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Qua tổ chức thực hiện, diện tích chè trồng mới không ngừng được mở rộng, bước đầu đã hình thành vùng chè, tập trung chủ yếu tại các xã: Ngam La, Đông Minh, Mậu Duệ, Mậu Long, Lao và Chải, Na Khê, Bạch Đích ... Tổng diện tích chè hiện có của toàn huyện là 1.322,73 ha, vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (Chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2015, toàn huyện có từ 500 – 700 ha chè). Trong đó, diện tích trồng mới từ năm 2007 – 2012 là 1.046,73 ha (chủ yếu là giống chè san tuyết). Diện tích chè đang cho thu hoạch năm 2015 là 564,6 ha; năng suất bình quân đạt 28 tạ/ha. Trên địa bàn huyện đã có một số hợp tác xã đầu tư nhà xưởng, thu mua sản phẩm chè của người nông dân để chế biến và xây dựng thương hiệu cây chè  như: HTX Hương vị núi, HTX Yên Hưng ...

 

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của địa phương, diện tích chè cho thu hoạch và năng suất vẫn còn thấp; chủ yếu là do các yếu tố sau: khâu thâm canh, chăm sóc cây chè chưa được chú trọng; mật độ các vườn chè chưa đúng kỹ thuật, chủ yếu trồng theo phương thức quảng canh; việc bảo vệ diện tích chè sau khi được nghiệm thu của người dân chưa tốt; chưa quan tâm tới việc cải tạo, chăm sóc diện tích chè già; giá thành sản phầm chè còn thấp, nên người dân chưa thực sự "mặn mà" tới việc đầu tư, phát triển cây chè...

 

Hiện nay, để tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, huyện Yên Minh đã định hướng phát triển cây chè trong thời gian tới là: "ổn định về diện tích, đẩy mạnh thâm canh để nâng cao năng suất, sản lượng; cải tạo  diện tích chè già; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Tạo hành lang thuận lợi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng các cơ sở chế biến công nghệ cao, năng suất phù hợp với vùng nguyên liệu trên địa bàn để mua sản phẩm cho người nông dân". Để thực hiện được điều này, trước hết, các xã phải rà soát lại diện tích thực tế chè hiện có, phân loại cụ thể diện tích chè đang cho thu hoạch, diện tích chưa cho thu hoạch, diện tích chuẩn bị cho thu hoạch, diện tích chè già cỗi cần cải tạo và diện tích không đảm bảo mật độ để tập trung đầu tư cải tạo, chăm sóc. Đẩy mạnh đầu tư thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng chè. Nghiên cứu để có cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến chè, thu mua sản phẩm chè cho người nông dân, kích thích phát triển sản xuất theo hình thức liên kết kín, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân./.


Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập