Nông thôn mới

Yên Minh đẩy mạnh chương trình xây dựng xã, thôn điển hình

09/09/2020 15:47 151 lượt xem

Với mục đích tổ chức lại sản xuất, ưu tiên phát triển các lĩnh vực có thể mạnh, các sản phẩm truyền thống của địa phương có giá trị kinh tế cao; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cùng với đó, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, phát huy tiềm năng đia phương góp phần nâng cao thu nhập cho người dân để giảm nghèo bền vững. Trong thời gian qua, huyện Yên Minh đã và đang tích cực triển khai thực hiện chương trình xây dựng xã, thôn điển hình tại địa phương.

     Trong giai đoạn 2017 – 2020, huyện Yên Minh đã tích cực triển khai thực hiện chương trình xây dựng xã, thôn điển hình. Từ khi triển khai đến nay huyện đã lựa chọn 4 xã và 57 thôn để thực hiện, trong đó năm 2017 lựa chọn 1 xã và 1 thôn; năm 2018 chọn 2 xã và 27 thôn; năm 2019 chọn 1 xã và 19 thôn. Trong năm 2020 huyện lựa chọn 1 xã và các thôn đã lựa chọn trong năm 2019 tiếp tục triển khai (trừ các thôn của 2 xã Hữu Vinh và thị trấn Yên Minh) với mục tiêu cụ thể: Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất trồng cây hàng năm là 39,2 triệu đồng tăng 0,5 triệu so với năm 2019; tiếp tục xây dựng xã Hữu Vinh trở thành xã điểm điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

     Thôn Thèn Phùng ở xã Na Khê là thôn đầu tiên được huyện lựa chọn thực hiện chương trình bởi đây là thôn có lợi thế vùng có cây Hồng không hạt. Theo đó để thực hiện chương trình, người dân trong thôn cũng đã được tuyên truyền về áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, mở rộng diện tích cây hồng. Ông Phàn Chìn Lìn, Trưởng thôn Thèn Phùng cho biết: Thay đổi hình thức sản xuất, thôn Thèn Phùng cũng thành lập HTX để thực hiện nhiệm vụ liên kết giữa người dân với thị trường tiêu thụ. Vụ hồng vừa qua, nhiều người dân đã thông qua HTX để bao tiêu sản phẩm cho gia đình góp phần mang lại hiểu quả kinh tế cao. Qua  hơn 3 năm triển khai, Thèn Phùng đã dần hình thành một thôn điển hình về kinh tế. Đến nay, thôn đã đạt được  6/10 tiêu chí.

     Gia đình anh Ly Mí Sình ở thôn Nà Tậu, xã Hữu Vinh trong vài năm trở lại đây, gia đình anh đang trở thành điểm cung cấp giống gia cầm uy tín cho bà con trong vùng. Chăn nuôi gia cầm từ nhiều năm nhưng với quy mô nhỏ chỉ từ 100 đến 200 con. Anh Sình cho hay: Trước kia quy mô còn nhỏ nhưng đến năm 2018 Phòng NN&PTNT huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để gia đình tôi tiếp cận với nguồn vốn vay Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để đầu tư sản xuất.  với số vốn 300 triệu đồng thì đủ để đầu tư xây dựng lại hệ thống chuồng trại và mở rộng quy mô chăn nuôi lên 1.000 con gà, vịt mỗi lứa.

     Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Chương trình xã, thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp đã được huyện Yên Minh triển khai từ năm 2017, ban đầu có 3 xã là Hữu Vinh, Mậu Duệ, Bạch Đích được lựa chọn thí điểm để thực hiện. Đánh giá cuối năm 2018 xã Hữu Vinh, Bạch Đích đạt 2/6 tiêu chí, xã Mậu Duệ đạt 3/10 tiêu chí. Để tập trung thực hiện hiệu quả năm 2019 và 2020 trong 3 xã trên, huyện đã lựa chọn xã Hữu Vinh để tiếp tục xây dựng xã điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp. Đến nay, xã Hữu Vinh đã đạt 4/10 tiêu chí gồm: tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất; sản phẩm đặc thù và tiêu thụ; ứng dụng tiến bộ khoa học, kĩ thuật vào sản xuất và tiêu chí cánh đầu mẫu; các tiêu chí còn lại hiện đang tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện chưa đạt được kết quả cao, nhưng huyện cũng đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để  tiếp tục xây dựng thành công xã, thôn điển hình trên địa bàn huyện.

     Để triển khai chương trình có hiệu quả hơn nữa, thời gian tới huyện Yên Minh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thực cho các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở về thực hiện chương trình để huy động sự vào cuộc toàn diện, quyết liệt và thường xuyên hơn của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, ưu tiên, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo thế mạnh từng xã, thôn; hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, Tổ hợp tác sản xuất hoạt động theo luật mang lại hiểu quả và gắn kết trong chuỗi sản xuất với người dân để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị và bền vững.


Tin khác

Văn bản mới

Thống kê truy cập